Tiểu sử và sự nghiệp Dương Quảng Hàm

Dương Quảng Hàm sinh ngày 14 tháng 7 năm 1898 trong một gia đình có truyền thống nho học tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cụ nội là Dương Duy Thanh (1804 – 1861), từng làm Đốc học Hà Nội. Cha của ông là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc, một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, trường học cách mạng đầu tiên của thành phố Hà Nội, em là Dương Tự Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời.

Thuở nhỏ ông học chữ Nho, sau ra Hà Nội học chữ quốc ngữ. Năm 1920, tốt nghiệp thủ khoa trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Từ năm 1920 đến 1946, ông làm giáo viên trường Bưởi (tức trường trung học bảo hộ, tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay). Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra Trung học (đến 26/11/1946, được thay bởi Nguyễn Văn Hiểu),[3] rồi làm Hiệu trưởng của trường Bưởi.

Trong hơn 20 năm (19201945), ông đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt. Hai cuốn sách có giá trị nghiên cứu nhất của ông là Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942). Riêng tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu được Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa chính thức dùng làm sách giáo khoa chương trình lớp Đệ Tam (tức là lớp 10) trong nhiều năm liền.

Qua đời

Cuối năm 1946, trước tình hình Toàn quốc kháng chiến sắp sửa nổ ra, theo chủ trương của chính phủ, người Hà Nội tản cư về các vùng quê. Căn nhà của Giáo sư Hàm được đục tường, thông với các nhà bên cạnh thành một lối đi cho dân quân, tự vệ luồn qua đánh du kích. Ngày 19 tháng 12 vợ chồng Giáo sư Hàm được dân quân tự vệ dẫn đường, con gái thứ 2 là Dương Thị Thoa đang tham gia đội tự vệ, mang cơm tiếp tế cho dân, đã gặp vợ chồng Dương Quảng Hàm trong chớp nhoáng, chỉ kịp đưa hai nắm cơm rồi dặn: "Cậu, mợ (cách gọi cha mẹ của nhân vật) ở lại đây, sẽ có tự vệ đưa ra khỏi thành phố". Đội dân quân tự vệ có chủ trương: Đàn bà đi trước, đàn ông đi sau. Giáo sư Hàm động viên vợ: "Mình yên tâm, ta gặp nhau ở quê". Nào ngờ, đó là giây phút cuối bà nghe tiếng nói của chồng.

Bà Trần Thị Vân vượt qua con đường nguy hiểm, luồn dưới gầm cầu Long Biên đến khu vực an toàn rồi đi đò qua bên kia sông Hồng, thẳng hướng quê nhà Phú Thị (Hưng Yên). Nhưng mãi vẫn không thấy chồng đến. Sau đó, gia đình được thông báo "trên đường đi, cụ Hàm bị phục kích rồi ngã xuống làn đạn của giặc (Pháp)". Mãi sau này, bà Vân vẫn cố gắng dò la nhưng thông tin về chồng vẫn bặt vô âm tín. Đến ngày giải phóng thủ đô, 10/10/1954, bà mới tin là chồng mình đã chết và quyết định lấy ngày 19/12/1946 làm ngày giỗ chồng. Đến nay xác ông Hàm vẫn chưa được tìm thấy và cái chết của ông Hàm vẫn còn là một bí ẩn.[4]

Dương Quảng Hàm mất khi còn đang tại chức vào 19 tháng 12 năm 1946 tại Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, hưởng dương 48 tuổi.[5] Theo bà Lê Thi (tên thật Dương Thị Thoa, là con gái của Dương Quảng Hàm), thì sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, nhà giáo Dương Quảng Hàm được Việt Minh giao làm Hiệu trưởng Trường Bưởi. Tuy nhiên, đến 19 tháng 12 năm 1946 ông bị Pháp bắt và đem đi tử hình. Bà buồn rầu kể: "Khi Pháp đàn áp rất ác liệt, cả nhà tôi bảo bố trốn đi, không ở nội thành nữa nhưng ông nhất quyết không đi với lý do chưa nhận được chỉ thị của cấp trên. Bố tôi bị Pháp bắt và đem đi tử hình ở đâu cũng không biết, đến nay gia đình tôi vẫn chưa tìm thấy xác của cụ"[6].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dương Quảng Hàm http://www.viet-studies.info/VTNhan/VTNhan_Chuong1... http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nguoi-keo-... http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Giao-su-liet-s... http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Cuoc-hon-nhan-dac... http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Gia-dinh-giao-su-... http://www.hungyen.gov.vn/index.asp?newsID=651&lan... http://hoisuhoc.vn/thongtinsuhoc.asp?id=190 https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c... https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/cai-che...